Bình luận ý kiến sau: Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy bình luận ý kiến sau: “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí” (Bài văn bình luận của bạn Kiều Minh Trang lớp 11C1 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong).
BÀI LÀM
Sự tiến bộ khoa học luôn là niềm tự hào của loài người. Nhờ có sự tiến bộ khoa học mà con người mới có cuộc sống thoải mái và tiện ích. Tuy nhiên, để có được thành quả khoa học như ngày nay không hề dễ dàng. Bàn luận về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí”.
Khoa học dẫn con người đến với văn minh và tiến bộ. Khoa học, tiếng anh là “Science”, bao gồm toàn bộ những hoạt động có hệ thống với mục đích xây dựng, tổ chức kiến thức bằng cách lý giải hoặc tiên đoán những sự vật, sự việc, quy luật, hiện tượng tự nhiên, vũ trụ. Khoa học rất rộng, gồm nhiều lĩnh vực và người làm khoa học là những người thông thái, có kiến thức chuyên môn sâu, tư duy mới mẻ và táo bạo. Như vậy, người làm khoa học cần có một tinh thần khoa học tức là phải có dũng khí mạnh mẽ mới có thể chinh phục con đường này. Tóm lại, câu nói “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí” nhấn mạnh đến tinh thần dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ dám làm của người làm khoa học.
Từ xưa đến nay, khoa học luôn gắn liền với dũng khí làm khoa học. Trong lịch sử phát triển của khoa học nhân loại, chúng ta đã ghi nhận không ít câu chuyện các nhà nghiên cứu, nhà khoa học phải đánh đổi sự an toàn của bản thân. Có rất nhiều cuộc nghiên cứu nguy hiểm được thực hiện để lý giải vấn đề mà họ đặt ra. Điển hình như câu chuyện về một nhà khoa học Mỹ tên Benjamin Franklin (1706 – 1790). Ông đã thực hiện rất nhiều cuộc thí nghiệm nguy hiểm với cây diều gắn kim loại thả lúc trời sấm sét. Cuối cùng, ông rút ra được kết luận điện sinh ra khi sét đánh và trở thành người phát minh ra cột thu lôi và là cha đẻ của thuyết cảm ứng tĩnh điện. Thực tế, lịch sử của khoa học dài và vĩ đại đã có vô số những con người dũng cảm dám đưa ra suy luận táo bạo và làm hết sức mình chứng minh cho quan điểm của mình như Newton, Edison, Darwin, Nobel… Họ đã đánh đổi nhiều thứ để đem lại những kết quả đáng ngạc nhiên, giúp ích cho nhân loại. Điều này cũng chứng minh rằng, chỉ khi có dũng khí mới có thể thành công trong khoa học.
Vì sao chúng ta phải có dũng khí khi làm khoa học? Thực chất, khoa học là công việc của mọi người. Ngay cả khi bạn không phải người làm nghề nghiên cứu khoa học, bạn vẫn cần tham gia vào công cuộc chung. Hiện nay, sức mạnh của một quốc gia không còn đo bằng diện tích quốc gia, số dân, số binh lính. Thậm chí, tiềm lực kinh tế cũng không thể chứng minh được vị thế quốc gia. Tiến bộ khoa học mới là thước đo thực sự. Nếu quốc gia bạn chế tạo được bom nguyên tử, chế ta thứ thuốc cải tử hoàn sinh, làm ra được robot thay thế con người… quốc gia bạn mới là bá chủ. Do vậy, mỗi công dân trong một đất nước đều có vai trò chung với sự phát triển khoa học. Dù rằng chúng ta có thể không đóng góp nhưng luôn luôn cần có một “tinh thần khoa học” đủ mạnh trong người. Đặc biệt, những người làm trong lĩnh vực khoa học càng cần có ý chí cao hơn. Xã hội sẽ tụt hậu nếu như chúng ta không có một tinh thần khoa học đầy đủ.
Tóm lại, câu nói “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí” là lời nhắn cấp thiết cho chúng ta đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Hiểu và thực hiện tốt được ý nghĩa trong câu nói này, chúng ta có thể có được sức mạnh quốc gia.