Cảm nghĩ của em về bài bạn đến chơi nhà
=======================
Khi cáo quan về ở ẩn, Nguyễn Khuyến luôn mang trong mình một nỗi buồn tủi, cô đơn đến chống vắng. Tuy nhiên khi được người bạn cũ ghé thăm tâm trạng của nhà thơ thoải mái, vui vẻ khác hẳn ngày thường, ông thể hiện được sự hoan hỉ của mình đối với người bạn cũ. Niềm vui ấy thể hiện rõ nét nhất qua bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà.
Bên cạnh những bài thơ viết về cuộc sống bình dị nơi thôn quê, Nguyễn Khuyến còn có những sáng tác về tình cảm bạn bè. Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là một trong số những tác phẩm viết về tình cảm ấy. Bài thơ như một minh chứng cho một tình bạn trong sáng, giản dị, bền chặt mà không màng đến những giá trị vật chất.
Hoàn cảnh mà người bạn đến chơi nhà được tác giả thể hiện qua câu thơ đầu tiên:
“Đã bấy lâu nay bác tới nhà.”
Mở đầu bài thơ, ta thấy được hoàn cảnh những người bạn gặp lại nhau. “Đã bấy lâu” thể hiện được quãng thời gian dài mà họ xa cách nhau. Dù đã lâu nhưng người bạn vẫn nhớ đến nhà thơ và đến thăm ông. Đó là minh chứng cho sự thân ái thắm thiết của một tình bạn vàng. Hai người gặp nhau trong sự vui mừng, thoải mái sau bao ngày xa cách.
Trong sáu câu thơ tiếp, tác giả nói lên hoàn cảnh trớ trêu khi tiếp đón người bạn thân thiết của mình, nhà thơ viết:
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có”.
Tiếp đón người bạn lâu ngày xa cách mà lại không có gì để đón tiếp. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhà thơ không có gì để tiếp đãi bạn mình. Nghệ thuật liệt kê được tác giả sử dụng. Từ việc trẻ con đi vắng để nhờ vả, cho đến việc đi chợ xa cũng rất khó khăn. Ông cũng nghĩ đến việc làm món gì đó để chiêu đãi bạn nhưng tình cảnh hiện tại làm nhà thơ khó xử: ao sâu, nước lại lớn nên không thể bắt cá, còn mảnh vườn rộng lớn mà rào lại thưa thì làm sao bắt gà?
Đến cả những món rau quả dân dã có sẵn trong vườn cũng không thể ăn được vì chúng vẫn đang phát triển: “cải chửa ra hoa”; “cà mới nụ”; “bầu vừa rụng rốn”; “mướp đương hoa”. Lúc này, từ những thứ cao sang đến những món ăn giản dị đều được người chủ nhà đưa ra, nhưng đều không thể đáp ứng cho việc tiếp đãi người bạn của mình.
Từ xưa đã có câu:”Miếng trầu là đầu câu chuyện”, thế mà đến lễ nghi cơ bản của việc tiếp khách nhà thơ cũng không thể đáp ứng được. Ngoài cuộc gặp gỡ thì tác giả không có gì để tiếp đón bạn. Sự thiếu thốn được nhà thơ bày tỏ như lời chia sẻ tới người bạn để mong nhận được sự cảm thông. Ở câu thơ cuối cùng, tình bạn thật sự với sự chân thành, không vụ lợi được tỏa sáng mãnh liệt:
“Bác đến chơi đây, ta với ta!”.
Dường như lúc này, những của cải vật chất không còn quan trọng nữa. Chỉ cần có sự thật lòng, chân thành để đối đãi với nhau như vậy là đủ. “Ta với ta” như thể nhà thơ và người bạn đã hòa làm một, không còn khoảng cách nào ngăn trở nữa. “Ta” vừa là nhà thơ, cũng vừa là người bạn, hòa vào nhau như một chủ thể bền chặt gắn kết.
Chỉ với tám câu thơ, ta cảm nhận được tình bạn sâu sắc, chân thành của Nguyễn Khuyến và người bạn của mình. Tình bạn của họ được tỏa sáng nhờ tấm lòng chân thành, đồng điệu của hai tâm hồn chứ không phải do những giá trị vật chất tạo nên. Đó chính là giá trị to lớn của tình bạn mà khó có gì sánh bằng.