Cảm nhận về bài thơ Tương tư

Cảm nhận về bài thơ Tương tư

==============================

Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Thơ ông hướng về không gian văn hóa, gắn bó với những thứ bình dị, thân thuộc của đồng quê, với những hàng cau, giàn trầu, rặng mồng tơi, cây đa, giếng nước, sân đình… Thơ ông đã góp phần làm phong phú hơn cho thơ mới. “Tương tư” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính trước cách mạng.

 “Tương tư’ có nghĩa là nhớ nhau. Nhưng nỗi tương tư trong bài thơ này là một lại bao gồm nhiều cảm xúc khác nhau, với những diễn biến không hề xuôi chiều. Bắt đầu là sự nhớ nhung:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười thương một người

Rồi đến băn khoăn hờn dỗi:

Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy không sang bên này?

Đến than thở:

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Đến hờn trách mát mẻ:

Bảo rằng cách trở đò ngang

Không sang là chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

Rồi nôn nao mơ tưởng:

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau

Đến những ước vọng xa xôi:

Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có mốt hàng cau liên phòng

Tất cả diễn biến cảm xúc trong bài thơ đều chuyển hóa rất tự nhiên, chân thực. Trong bài thơ, chàng trai có ý trách móc cô gái. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ vô lý bởi trong tình yêu, người chủ động phải là người con trai. Thứ hai, lối trách móc này không phải vì ghét, không giống như sự quy kết trách nhiệm mà là trách vì yêu. Do quá mong nhớ, bị nỗi nhớ giày vò mà người trong cuộc sinh ra “hờn ngược, trách xuôi”. Nói khác đi, điều này cũng chỉ là một sự bộc bạch tình cảm. Người đời cũng gọi thế là “trách yêu”.

Để chỉ nỗi nhớ mong của những người đang yêu. Bài thơ này đã sử dụng những hình ảnh thật sắc sảo:

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Câu thơ với cách ngắt nhịp độc đáo đã gợi được dòng thời gian cứ trôi qua một cách chậm chạp, ngày mới chỉ còn là sự lặp lại ngày cũ một cách chán ngán và vô vọng. Cả việc ngắt nhịp, lặp lại vế câu và nói nhấn giọng ở chữ “lại” khiến cho giọng thơ vang lên như một lời than thở, chán chường. Tất cả những điều đó làm hiện lên rõ nét hình ảnh của một người con trai với nỗi lòng, với tâm trạng nóng lòng chờ trông đến mỏi mòn.

Nỗi tương tư của chàng trai này dường như ngày càng đậm nét chân quê hơn bởi vì nó gắn liền với khung cảnh thiên nhiên và cây cỏ chốn thôn quê. Trong nỗi nhớ nhung của chàng trai chúng ta có thể thấy hiện lên những chi tiết về những địa danh, cảnh vật, cây cỏ… thuộc về chốn quê bao đời: thôn Đoài, thôn Đông, đò giang, bến đò, hoa bướm, giàn giầu, hàng cau…

Những hình ảnh vừa mở ra một không gian thân thuộc, bình dị để bày tỏ nỗi lòng vừa là phương tiện, ngôn ngữ để nhân vật trữ tình diễn tả nỗi lòng của mình một cách bình dị, kín đáo và tự nhiên, ý nhị. Chính vì vậy mà tình và cảnh như hòa quyện lại với nhau.

Trong bài thơ này, nhà thơ đã tinh tế tạo hình ảnh rất độc đáo: hình ảnh chàng trai thôn Đoài ngồi nhớ cô gái thôn Đông, qua đó khéo léo mở rộng ra và khái quát thành thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Đây không chỉ đơn thuần là cách nói vòng, mà hơn nữa, quan trọng hơn, nó tạo ra hai nỗi nhớ song hành và chuyển hóa, gắn liền với hai chủ thể và hai đối tượng: người nhớ người và thôn nhớ thôn. Cũng chính vì người nhớ người mà mới có thôn nhớ thôn. Nhưng sâu xa hơn, điều này còn biểu hiện một quy luật tâm lý. Khi nỗi nhớ, nỗi tương tư chất chứa trong lòng thì dường như nó bao trùm ra cả không gian xung quanh. Vì thế mà có hai miền không gian nhớ nhau. Tràn đầy cả bầu không gian tạo ra bởi hai thôn ấy là một nỗi nhớ nhung.

Bài thơ đã thể hiện rõ nét phong cách thơ Nguyễn Bính trước cách mạng. Thể hiện quan niệm thơ của Nguyễn Bính: bên dưới nỗi tương tư là niềm khát khao gần kề, khao khát chung tình, khao khát nhân duyên, tình yêu gắn với hôn nhân. Bài thơ cũng là một minh chứng để khẳng định thêm rằng nét truyền thống, nét chân quê đã thấm sâu vào hồn thơ Nguyễn Bính.

Post Author: adminhtv

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *