Chứng minh tính nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
Bài làm
Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân là một tác phẩm mang đậm tính hiện thực trong văn học Việt Nam. Nó không chỉ phản ánh đúng đắn cái bối cảnh xã hội trong nạn đói năm Ất Dậu 1945 mà còn tái hiện lại cảnh sống vô cùng lay lắt, vật vã của những người dân trong bối cảnh đó. Thế nhưng bên cạnh đó, đây cũng là một câu chuyện thấm đượm tinh thần nhân văn. Tính nhân văn ấy được tác giả thể hiện qua tính cách và cái nhìn của từng nhân vật trong câu chuyện.
Mỗi con người trong Vợ nhặt đều mang trong mình một bản tính hết sức tốt đẹp. Họ lương thiện dù rằng trong bối cảnh cuốc sống khó khăn, cái ăn còn không có, sự chết chóc luôn rình rập bao trùm lên họ nhưng họ vẫn không vì thế mà sa đọa càng không vì vậy mà bi lụy, đau thương, trái lại họ vẫn sống vô cùng lạc quan, nhân ái, lo cho mình nghĩ cho người. Họ có thể cưu mang thêm một người dưng nước lã, có thể động viên nhau sống bằng nồi cháo cám, có thể kế cho nhau nghe những chuyện vui, những ước mơ về tương lai, có thể nhen nhóm trong lòng nhau một ước mơ thay đổi.
Để cho rõ ràng, ta có thể tìm hiểu về tính nhân đạo của tác phẩm qua cách xây dựng tính cách nhân vật và suy nghĩ của nhân vật từ đó cho thấy cái nhìn và cách thể hiện của nhà văn trong tác phẩm của mình.
Về tính cách, cả ba nhân vật trong câu chuyện từ bà cụ Tứ, anh cu Tràng đến người vợ nhặt đều là những người nông dân hiền lành, lương thiện, chất phác. Bà cụ Tứ là một người mẹ khổ đau, vất vả, lam lũ nhưng lại rất yêu thương con cái, chịu đựng và hiền hậu. Trong lòng bà luôn hướng về các con của mình là chị Lụa và anh cu Tràng. Cuộc sống dù nay đói mai còn đói hơn nhưng bà vẫn tìm cách động viên các con vượt qua. Khi anh con trai duy nhất đột ngột dẫn về trước mặt bà một người vợ, chính xác là một người vợ mà không phải là một người bạn gái. Bà chỉ dừng lại suy nghĩ rồi khóc vì thương các con, bà thương cả con mình, thương cả cô gái. Rồi bà đối xử với người con dâu mới một cách tự nhiên như người nhà đã từ lâu. Bà không để cô con dâu phải cảm thấy ngượng ngùng cháy mặt, càng không phải tủi hổ vì theo người ta về nhà, bà chỉ đơn giản là chấp nhận cô theo một cách hiện dịu nhất. Bà còn động viên an ủi và giục con trai ngăn phòng để lấy không gian riêng tư cho đôi trẻ.
Anh cu Tràng cũng vậy, gia cảnh 2 mẹ con đều nghèo bần cùng, khố rách áo ôm. Ấy vậy mà anh vẫn tưng tửng yêu đời. Gặp các cô gái trẻ ngồi chờ việc anh vẫn buông lời chòng ghẹo. Dù kiếm ít tiền nhưng anh vẫn sảng khoái mời người con gái xa lạ 4 bát bánh đúc, vẫn sẵn sàng cưu mang thêm một mạng người, vẫn đốt hết chỗ dầu có trong nhà để mừng đêm tân hôn. Chàng trai này là một người có tính cách phóng khoáng, thương người, yêu thương gia đình. Sau khi lấy vợ anh cảm thấy mình có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình, cảm thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa, làm lụng nuôi gia đình. Anh quả là một con người hồn hậu, tốt bụng và chân thành. Ở anh có những đức tính mà bao người vợ mong mỏi có ở chồng mình đó là toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Anh ngoan ngoãn, chăm chỉ, lo làm ăn, đã vậy lại rất hiền lành lương thiện. Dù trong hoàn cảnh bên bờ vực của cái chết mà anh vẫn giữ được cái thiên lương của mình không sa đọa, cũng không vì chán chường mà buông xuôi, bỏ cuộc.
Người vợ nhặt thì khá đặc biệt hơn. Ở thị như có hai con người, 2 linh hồn trong cùng một thân xác. Một con người thì chao chát, chỏng lỏn, đanh đá chua ngoa. Con người ấy đã hơn hớn chạy ra đẩy xe cho Tràng, cũng con người đỏng đảnh xưng xỉa chạy tới nói như bổ vào mặt Tràng vì quỵt cơm trắng mấy giò. Một con người bất lịch sự đến mực cúi đầu ăn một chặp 4 bát bánh đúc chẳng nhìn ai rồi sẵn sàng theo người khác về nhà chỉ qua một lời nói vui. Ấy thế nhưng ở thị vẫn còn một con người khác, con người ấy e thẹn, rụt rè đi lẽo đẽo sau Tràng đi về nhà. Người phụ nữ khép nép chỉ dám ngồi ở mép giường, thấp thỏm lo lắng trước khi gặp mẹ chồng. Một người phụ nữ chăm chỉ sáng sớm tinh mơ dậy quét dọn vườn tược sân nhà. Một con người nhã nhặn và cam chịu, khi thấy mẹ chồng bê ra nồi cháo cám cũng chỉ lặng lẽ gạt vào miệng. Thì ra, khi cái đói bao trùm lên thị, thị phải xù cái vỏ chanh chua, chỏng lỏn để che đậy, bảo bọc mình, chỉ khi về với gia đình, có một gia đình để nương tựa thì thị mới trở về bản tính độn hậu khéo léo của mình.
Tính cách của nhân vật là vậy còn suy nghĩ của họ thì sao? Đầu tiên là bà cụ Tứ, bà hẳn là người sâu sắc, am hiểu nhất, giàu kinh nghiệm nhất và cũng vô cùng yêu thương con cái của mình. Thấy anh cu Tràng đột ngột dẫn vợ về ra mắt trong thời buổi khó khăn mà bà nghĩ chỉ càng cảm thấy thương cậu con trai mình hơn. Bà thương anh thiệt thòi, thành lập gia thất trong lặng lẽ tủi nhục. Bà thương cô con dâu hoạn nạn, đói khổ đến mức phải lấy chồng trong hoàn cảnh như vậy. Bà vẫn pha trò cho các con được vui, vẫn nhen lên trong họ niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng. Bà kể mong muốn nuôi một con gà để nó sinh sôi nảy nở ra cả đàn gà, bà bưng lên nồi cháo mà pha trò rằng đó là nồi chè khoán khối nhà không có mà ăn. Tất cả những việc bà làm đều cho thấy bà quả là một điểm tựa tinh thần, một cây đại thụ vững chắc để cho những người con tin tưởng và dựa dẫm.
Anh cu Tràng thì sao, hành động suy nghĩ của anh là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần nhân ái. Anh mời thị 4 bát bánh đúc ngay khi có tiền, anh giật mình khi thị đồng ý theo anh về làm vợ. Bản thân anh là người ý thức được rõ ràng nhất sự nguy hiểm của mình lúc này khi lấy vợ. Bỗng dưng phải đèo bòng thêm một miệng ăn, một mạng người. Trong khi cuộc sống của mẹ con anh, cái thân mình còn không biết có nuôi nổi hay không. Thế nhưng anh vẫn tặc lưỡi và cho qua, anh vẫn mặc kệ tất thảy bởi vì anh khao khát hạnh phúc, khao mát một tổ ấm. Anh chọn tình yêu thương thay vì những lo toan về miệng ăn núi lở. Anh chấp nhận đánh đổi có thể là chính mạng sống của mình để trong nhà có thêm người, anh cũng có thêm một người vợ. Anh cùng người vợ nhặt rồi đây sẽ có một mái ấm hạnh phúc, họ sẽ sinh thật nhiều con…
Người vợ nhặt thì sao, thị sau khi lấy chồng đã thay đổi hoàn toàn trở thành một con người khác. Thị có trách nhiệm với gia đình, thị thực hiện những nghĩa vụ của một người vợ, một người con dâu một cách khéo léo, đảm đương. Thị còn kể cho Tràng nghe về việc người dân đi phá kho thóc Nhật, có thể rằng cả trong thị, cả trong Tràng lúc này đều nhen nhóm những suy nghĩ hướng về cách mạng, về lá cờ đỏ sao vàng.
Vợ nhặt là một câu chuyện buồn, buồn nhưng cũng có vui. Là một câu chuyện đầy bất hạnh và đau khổ nhưng cũng có niềm tin và hy vọng. Nó không khiến người đọc cảm thấy đau thương, bí bách như những câu chuyện viết trong cái cảnh ngộ này. Chính tình yêu, niềm tin của từng nhân vật trong câu chuyện đã khiến nó trở lên sinh động, hài hước và đầy tính nhân văn. Nó thỏa mãn người đọc ở cái kết đầy hứa hẹn và giúp người đọc thêm yêu thương vào từng nhân vật của câu chuyện hơn.