Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó – Hồ Chí Minh
Sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài để tìm một con người giải phóng dân tộc, vào năm 1941 Bác đã trở về nước và sinh sống tại hang Pác Bó, Cao Bằng. Tuy phải sống trong điều kiện thiếu thốn nhiều điều nhưng Bác vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan và thoải mái. Đặc biệt, trong hoàn cảnh sống đó, Bác đã sáng tác ra bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” với giọng điệu phơi phới, thoải mái.
Tuy là lãnh tụ của đất nước nhưng Bác vẫn giữ cho mình nếp sống giản dị và có phần thiết thốn. Trong hoàn cảnh khó khăn, Bác phải sống và sinh hoạt trong hang nhỏ ẩm ướt nhưng Bác không hề cảm thấy khó chịu mà còn thể hiện một sự hào hứng với những hoạt động diễn ra hàng ngày ở nơi đây:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”.
Câu thơ đầu được ngắt nhịp ở giữa, tạo thành hai vế sóng đôi như gợi nên sự nhịp nhàng đều đặn trong nếp sinh hoạt của mình: sáng ra, tối vào… Không gian sinh hoạt của Bác thường ở 2 địa điểm là hang Pác Bó và suối. Câu thơ tuy chỉ có 7 tiếng ngắn gọn nhưng đã khái quát hoàn cảnh sống khó khăn của Bác qua thời gian sáng và tối. Với giọng điệu dí dỏm, hài hướng, người đọc có thể thấy được sự chủ động, sự hòa hợp với thiên nhiên của Bác. Chính tâm hồn ung dung, thoải mái đã giúp Người chiến thắng được hoàn cảnh khắc nghiệt.
Nếu như cấu đầu là không gian sinh hoạt thì đến câu thơ thứ 2, Người tiếp tục miêu tả về những món ăn dân dã, đạm bạc hàng ngày của mình:
“Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”
Ngô và măng là 2 loại thực phẩm phổ biến của vùng núi phía Bắc. Cháo bẹ, rau măng là 2 món ăn thay thế cho bữa cơm hàng ngày của Bác. Trong câu thơ, chúng ta có thể cảm nhận thấy Hồ Chí Minh sẵn sàng tiếp nhận 2 món ăn này với tâm trạng vui vẻ. Bác không yêu cầu được chăm sóc phục vụ với điều kiện vật chất đầy đủ mà luôn vui vẻ tiếp nhận những khó khăn. Điều này cho thấy một tâm thế sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn thử thách của một người chiến sĩ Cách mạng. Trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, cuộc sống nhân dân khó khăn, Bác không hề nghĩ cho riêng bản thân mình mà Bác nghĩ cho toàn thể nhân dân, dân tộc. Sự hi sinh của Bác thật đáng trân quý biết nhường nào.
Không chỉ nơi ở nơi hiểm trở, bữa ăn đạm bạc, mà ngay cả đến nơi làm việc của Người cũng rất thiên nhiên:
"Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"
Đối lập với sự chông chênh, mất cân bằng của phiến đá, Người vẫn chuyên tâm là công việc của mình. Người vẫn tập trung dịch sử Đảng để làm tài liệu cho cán bộ ta học tập và nghiên cứu để đưa ra một hướng đi mới cho đất nước.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi, Bác nói rằng:
"Cuộc đời cách mạng thật là sang".
Lý tưởng cách mạng đã soi sáng cho con đường của người chiến sĩ cộng sản. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn đó, bác vẫn ung dung, lạc quan yêu đời. Người luôn có một niềm tin vào một tương lai của Cách Mạng nước nhà. Từ “sang” thể hiện sự tự tin, niềm tự hào về một tương lai của đất nước.
Ba câu đầu của bài thơ thiên về tả cảnh, chỉ đến câu thơ cuối Hồ Chí Minh mới bộc lộ cảm xúc của mình. Nó là một sự vui vẻ, lạc quan giữa chốn gian lao, khó khăn. Chính niềm vui vì hoạt động cách mạng của Bác đã đẩy lùi đi tất cả những khó khăn, nguy hiểm và tiếp thêm tinh thần cho Bác.
Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt cùng với cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo nên nhịp điệu thơ nhẹ nhàng, khoan thai. Giọng thơ hài hước, hóm hỉnh cũng cho thấy một tinh thần lạc quan và sự ung dung trong hoàn cảnh đầy khó khăn của người chiến sĩ cộng sản. Niềm vui của Bác là được làm cách mạng, mang đến độc lập cho dân tộc và được sống hòa hợp với thiên nhiên.