Tình huống truyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy phân tích tình huống truyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu (Bài văn phân tích của một bạn học sinh giỏi Văn trường THPT chuyên Nguyễn Huệ).
BÀI LÀM
Nếu như tình huống truyện trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là tình huống gặp gỡ, trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là tình huống tâm trạng, trong “Vợ nhặt” của Kim Lân là tình huống hành động… thì “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu lại xây dựng tình huống nhận thức. Từ tình huống truyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã cho ta thấy những nghịch lý của cuộc sống.
Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng diện mạo tình huống mang tính nhận thức. Đó là câu chuyện về người nghệ sĩ Phùng đến vùng biển chụp ảnh cho bộ lịch năm ấy, sau khoảnh khắc chụp được bức ảnh “cảnh đắt trời cho” thì anh phải chứng kiến cảnh tượng một người đàn bà hàng chài lam lũ, xấu xí bị người chồng vũ phu đánh tới tấp, thằng con chạy ra cứu. Cảnh tượng đó lại được tiếp diễn trong ngày hôm sau khiến Phùng đã không thể chấp nhận được nên đã đề nghị chánh án Đẩu giúp đỡ và khuyên người đàn bà hàng chài ly hôn. Nhưng sau khi nghe lời giãi bày của người đàn bà ở tòa án, Phùng có nhiều vỡ lẽ. Như vậy, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống nhận thức của người nghệ sĩ Phùng để thể hiện nghịch lý về cuộc đời.
Trước hết, tác giả xây dựng nghịch lý giữa cuộc sống và nghệ thuật. Người nghệ sĩ đã có hàng trăm bức ảnh đẹp, anh Trưởng phòng cho rằng “đẹp thì đẹp thật” nhưng có vẻ như chưa đủ cho bộ lịch. Chi tiết này đã khẳng định người nghệ sĩ dù có nỗ lực được bao nhiêu thì cũng chưa thể đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống và người nghệ sĩ không bao giờ được thỏa mãn khi làm nghệ thuật. Nghịch lý tiếp theo đó là giữa thiên nhiên tươi đẹp và di họa của chiến tranh. Thiên nhiên tươi đẹp với “bờ biển thơ mộng phẳng lặng và tươi mát như da thịt của mùa thu” nhưng lại là “bãi xe tăng do bọn thiết giáp ngụy vứt lại hồi chiến tranh tháng 3 năm 1975 bị nước gặm cho sét rỉ”… Cảnh tượng như nhắc nhở người nghệ sĩ nghệ thuật không chỉ có thơ mộng mà còn là cái xù xì gai góc của cuộc sống.
Mặt khác, Nguyễn Minh Châu còn thể hiện một nghịch lý khác giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh và cuộc sống con người lam lũ, khổ đau. Người nghệ sĩ Phùng đã có hai phát hiện lớn. Phát hiện đầu tiên đó là bức tranh thiên nhiên “hoàn mỹ và tuyệt bích” với đường nét, màu sắc, hình ảnh vô cùng mỹ lệ, tinh khôi vừa cổ điển lại vô cùng sống động. Từ đây, Phùng rút ra chân lý cái đẹp là đạo đức. Bởi, những rung động rất đặc biệt của Phùng trước thiên nhiên khiến anh yêu cuộc sống, yêu quê hương hơn. Cái đẹp dường như có khả năng cảm hóa và thanh lọc lòng người. Phát hiện thứ hai của Phùng đó là hình ảnh người đàn bà hàng chài xấu xí, thô kệch và hình ảnh người đàn ông xay xỉn, vũ phu. Họ là những hình ảnh thực của cuộc sống: con người lam lũ, cơ cực, bị cuộc sống dày vò. Tiếng quát, tiếng chửi mắng, nguyền rủa là âm thanh thực của cuộc sống. Hành động người đàn bà van xin, người đàn ông “quật” tới tấp hay thằng con Phác cầm “dao”… là hành động thực của cuộc sống. Phát hiện về hiện thực phũ phàng với các giá trị đạo đức đang băng hoại và bi kịch bất hạnh của con người đối lập hoàn toàn với phát hiện về bức tranh tuyệt mỹ kia khiến Phùng nhận thức được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Qua đây, ta như vừa nhận được một bức thông điệp của nhà văn: Đừng bao giờ đánh giá sự vật, sự việc một cách giản đơn.
Tóm lại, qua tình huống truyện mang tính nhận thức của Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu thể hiện quan niệm nghệ thuật riêng: nghệ thuật phải xuất phát từ hiện thực cuộc đời và vì cuộc đời mà xuất hiện.